Nghiên cứu kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng giống chè Kim Tuyên, PH10 phục vụ xuất khẩu đáp ứng thị trường Nhật Bản và Đài Loan
01/06/20 02:43PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng giống chè Kim Tuyên, PH10 phục vụ xuất khẩu đáp ứng thị trường Nhật Bản và Đài Loan

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đặng Văn Thư

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Trần Xuân Hoàng, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, TS. Nguyễn Ngọc Bình, ThS. Trần Đặng Hoa, KS. Nguyễn Thị Phúc, ThS. Nguyễn Mạnh Hà, ThS. Nguyễn Xuân Cường, ThS. Nguyễn Hoàng Hà, ThS. Phạm Thị Như Trang

Thời gian thực hiện: 01/2015-12/2018

Kinh phí thực hiện: 4.200 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1790/QĐ-BNN-KHCN ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 11 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống chè Kim Tuyên, PH10 để sản xuất nguyên liệu chế biến chè (Sencha, Ô long) đáp ứng thị trường xuất khẩu, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận thành TBKT và quy trình chế biến chè xanh dạng Sencha, chè xanh chất lượng cao, chè Ô long được công nhận quy trình tiến bộ kỹ thuật cấp cơ sở áp dụng cho sản xuất. Cụ thể là:

Về kỹ thuật thâm canh: Bón 40 kg N/tấn sản phẩm, tỷ lệ 3:1:1, giống PH10, Kim Tuyên cho năng suất cao lần lượt là 10,70 tấn/ha và 10,06 tấn/ha; Công thức bón 30 tấn compost (80% cỏ tại nương chè +20% phân chuồng) hoặc bón 30 tán rơm rạ+xử lý vi sinh vật phân hủy (ATbio-decomposer; 400 ml/tấn rơm rạ khô) trên nền bón 400 kg N + 133 kg P­­­2O5 + 266 kg K2O + 75 kg MgSO4/ha + 1.000 kg đậu tương ngâm/ha cho năng suất chè tương đương với công thức bón 30 tấn phân chuồng; Hái 1 tôm 2 lá cho điểm thử nếm chè Sencha cao nhất; Công thức tưới phun mưa cho năng suất cao nhất, hàm lượng cao nhất; Che bớt ánh sáng trước khi hái có điểm thử nếm cao nhất; Đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc bảo vệ thực vật (hóa học, sinh học) về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng tồn tại trong nguyên liệu búp tươi đều không phát hiện và đạt ngưỡng cho phép.

Về kỹ thuật chế biến: Với chè xanh dạng Senche thời gian diệt men (hấp) trên giống chè Kim Tuyên là ½ phút, trên giống chè PH10 là 1,5 phút, nhiệt độ sấy chè thành phẩm ở nhiệt độ 95-100oC cho kết quả tốt nhất; Với chè xanh chất lượng cao thời gian lên hương là 6h và làm khô bằng phương pháp sấy sao kết hợp; Với chế biến chè Ô long trên giống PH10 héo mát chè nguyên liệu ở nhiệt độ 20-21oC và lên hương chè Ô long thành phẩm ở nhiệt độ 70-75oC.

Xây dựng mô hình áp dụng rộng trong sản xuất về quy trình thâm canh tại các điểm Phú Thọ (1 ha), Sơn La (1 ha), Lâm Đồng (1 ha), trên giống chè PH10 và Kim Tuyên cho năng suất tăng 36,65% (giống PH10), 22,46-37,50% (giống Kim Tuyên) và hiệu quả kinh tế tăng 27,27-98,16%. Đề tài đã xây dựng được dự thảo tiêu chuẩn chè đáp ứng thị trường Nhật Bản và Đài Loan, trong đó các tiêu chí về chè Ô long đã đáp ứng thị trường Đài Loan về các chỉ tiêu hàm lượng tannin <25%, chất hòa tan > 40%, tanin/axit amin đạt 10,05%. Chè xanh Sencha các chỉ tiêu đạt yêu cầu là hàm lượng đường, chất hòa tan; tuy nhiên hàm lượng tannin mới đạt > 17,74% so với yêu cầu.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20195801)