Nghiên cứu phát triển hệ thống thiết bị và phần mềm tự động dự báo, cảnh báo, xây dựng phương án chữa cháy và xác định nội dung chỉ huy chữa cháy rừng ở Việt Nam
26/05/21 02:36PM
Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu phát triển hệ thống thiết bị và phần mềm tự động dự báo, cảnh báo, xây dựng phương án chữa cháy và xác định nội dung chỉ huy chữa cháy rừng ở Việt Nam

Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Lâm nghiệp

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Vương Văn Quỳnh

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Trần Thị Trang, ThS. Mai Hà An, TS. Lê Sỹ Doanh, TS. Phạm Văn Duẩn, ThS. Nguyễn Văn Thị, TS. Bùi Xuân Dũng, CN. Nguyễn Danh Thanh Hải, ThS. Khuất Duy Truyền, CN. Vương Thị Hà, CN. Nguyễn Phú Sơn

Thời gian thực hiện: 1/2017-12/2019

Kinh phí thực hiện: 2.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1541/QĐ-BNN-TCLN ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 09 tháng 6 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã chế tạo được 10 bộ thiết bị tự động (trạm khí tượng tự động) quan trắc 4 yếu tố thời tiết phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng. Mỗi trạm gồm 09 module chính: module đo nhiệt độ không khí, module đo độ ẩm không khí, module đo mưa, module đo tốc độ gió, module đo hướng gió, module cấp nguồn, module truyền dữ liệu, module bo mạch chủ và cột đỡ trạm khí tượng. Trạm khí tượng hoạt động bằng năng lượng mặt trời, hàng giờ tự động quan trắc và truyền số liệu nhiệt độ, độ ẩm không khí, lượng mưa, tốc độ và hướng gió qua mạng viễn thông về máy chủ.

Đề tài đã xây dựng được quy trình kỹ thuật tự động dự báo, cảnh báo, xây dựng phương án chữa cháy rừng gồm 4 bước: lắp đặt trạm khí tượng tự động, cập nhật dữ liệu bổ sung, xử lý thông tin và sử dụng thông tin. Quy trình được xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số để tự động dự báo nguy cơ cháy rừng hàng ngày đến từng đơn vị hành chính và chủ rừng trên quy mô cả nước, xây dựng phương án chữa cháy theo phương châm bốn tại chỗ cho từng đám cháy rừng. Về kỹ thuật, quy trình đã được áp dụng thử nghiệm thành công tại 5 tỉnh gồm Lào Cai, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, và Hà Nội, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Đề tài đã xây dựng được phần mềm dự báo, cảnh báo, xây dựng phương án chữa cháy rừng theo quy trình công nghệ đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật. Nhờ đó, đã hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, xây dựng phương án chữa cháy rừng cho 3 vùng thí điểm là Sa Pa-Lào Cai, Chư Pả-Gia Lai, và Hải Vân-Đà Nẵng. Đồng thời xây dựng mô hình trình diễn hoạt động của “Hệ thống thiết bị và phần mềm tự động dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, xây dựng phương án chữa cháy rừng” và vận hành ổn định ở cả 3 vùng nghiên cứu trên.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205971-78)