Xây dựng mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC (Vườn, Ao, Chuồng) theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc
24/10/22 09:35AM
Chủ đề: Nông thôn mới

Tên nhiệm vụ: Xây dựng mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC (Vườn, Ao, Chuồng) theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc

Tổ chức chủ trì: Trung tâm nghiên cứu & phát triển cộng đồng nông thôn

Cơ quan chủ quản: Trung ương Hội Làm Vườn Việt Nam - VACVINA

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Phan Văn Ngọc

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Nguyễn Đức Thịnh; ThS. Phạm Văn Thành; GS. TS. Ngô Thế Dân; TS. Chu Mạnh Thắng; TS. Đỗ Văn Hòa; ThS. Nguyễn Thị Thu Hương; TS. Nguyễn Văn Thông; TS. La Văn Công; TS. Trần Trung Kiên; KS. Bùi Đức Thành; ThS. Nguyễn Tiến Hưng

Thời gian thực hiện: 2020-2021

Kinh phí thực hiện: 4.650 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 3752/QĐ-BNN-VPĐP ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 21 tháng 12 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Dự án đã phối hợp với Hội Nông dân (HND), Hội Làm vườn (HLV) các cấp của ba tỉnh, chính quyền và các hộ tham gia xây dựng thành công 09 mô hình vườn mẫu tại 03 xã (mỗi xã 03 mô hình), bao gồm xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Hiệu quả kinh tế tăng trung bình từ 20 – 23 % (so với đặt hàng 20%) cho cả 9 mô hình so với sản xuất đại trà, các sản phẩm đã được kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho quả na, bưởi. Toàn bộ sản phẩm quả na, bưởi được dán tem truy xuất nguồn gốc, và có liên doanh bao tiêu 60 - 70% sản phẩm với các doanh nghiệp, các đơn vị thu mua tại địa phương.

Dự án đã xây dựng thành công 09 mô hình nuôi gà thả đổi theo hướng hữu cơ tại 3 tỉnh dự án (3 mô hình/tỉnh) với quy mô từ 1.000 – 3.000 con/mô hình, vượt chỉ tiêu 1.000 con/mô hình. - Các mô hình đã áp dụng đầy đủ các quy trình nuôi gà thả đồi theo hướng hữu cơ, và có hiệu quả kinh tế (tính theo chi phí sản xuất) tăng trên từ 10 – 15 % so với phương thức nuôi công nghiệp đang áp dụng phổ biến trên địa bàn. Các hộ nuôi gà đồi an toàn sinh học đều thoả mãn các tiêu chí về diện tích đất không trực tiếp sản xuất để tạo ra sản phẩm/tổng diện tích đất vườn 30%; diện tích cây xanh trong vườn/tổng diện tích đất vườn trên 60%; diện tích cây trồng cho sản phẩm chủ lực/tổng diện tích cây trồng trong vườn trên 50%.

Dự án đã xây dựng thành công 3 mô hình liên kết dưới hình thức tổ hợp tác để kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc theo mã định danh của sản phẩm: 01 mô hình liên kết doanh nghiệp – tổ hợp tác gồm 15 hộ nông dân sản xuất Na theo hướng NNHC; 01 mô hình liên kết doanh nghiệp - tổ hợp tác gồm 14 hộ nông dân sản xuất cam theo hướng NNHC; 01 mô hình liên kết doanh nghiệp – tổ nhóm hợp tác 20 hộ nông dân sản xuất bưởi theo hướng NNHC

 (Nguồn: Kỷ yếu “Giới thiệu các tiến bộ khoa học công nghệ tiêu biểu phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”)