Xây dựng và khai thác dữ liệu genome lúa bản địa của Việt Nam phục vụ công tác chọn tạo giống lúa chất lượng cao và kháng một số bệnh hại chính (bạc lá, đạo ôn…)
16/07/21 08:59AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Xây dựng và khai thác dữ liệu genome lúa bản địa của Việt Nam phục vụ công tác chọn tạo giống lúa chất lượng cao và kháng một số bệnh hại chính (bạc lá, đạo ôn…)

Thuộc chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020

Tổ chức chủ trì: Viện Di truyền nông nghiệp-Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Khuất Hữu Trung

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Nguyễn Thúy Điệp, TS. Trần Duy Dương, ThS. Kiều Thị Dung, ThS. Nguyễn Thị Phương Đoài, KS. Nguyễn Trường Khoa, TS. Trần Đăng Khánh, ThS. Trần Thị Thúy, TS. Trần Hoàng Dũng, ThS. Đặng Thị Thanh Hà

Thời gian thực hiện: 2014-2017

Kinh phí thực hiện: 3.950 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 239/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 02 tháng 02 năm 2018 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài tầm soát và xác định được trình tự nucleotide của 10 candidate gen liên quan đến tính trạng chất lượng, bạc lá, đạo ôn (01 candidate gen liên quan đến đặc tính chất lượng; 05 candidate gen có khả năng kháng đạo ôn và 04 candidate gen có khả năng kháng bạc lá). Nghiên cứu thiết kế 01 bộ chỉ thị gồm 32 marker dCAPs/SSLP/SNP liên kết chặt với các candidate gen đích. Trong đó có 06 marker liên liên kết với candidate gen tính trạng chất lượng, 13 marker liên kết với candidate gen kháng đạo ôn và 13 marker liên kết với candidate gen kháng bạc lá. Đồng thời, thiết kế và lai tạo 10 tổ hợp giữa các giống lúa ưu tú với các giống bản địa mang gen kháng bạc lá và 09 tổ hợp lai giữa các giống lúa ưu tú với các giống bản địa mang gen kháng đạo ôn đã chọn tạo được 25 dòng đẳng gen và dòng có nền di truyền khác nhau mang các candidate gen kháng bạc lá/đạo ôn và 15 dòng ưu tú (dòng gửi khảo nghiệm).

Đề tài tiến hành đánh giá một số đặc điểm nông sinh học chính của các dòng lúa ở hế hệ BC3F3, từ đó xây dựng được bộ số liệu đánh giá về các đặc điểm hình thái, nông học chính của các dòng mang candidate gen kháng bạc lá/đạo ôn; và tiến hành lây nhiễm nhân tạo ngoài đồng ruộng/trong nhà lưới các dòng ở thế hệ BC3F3 và BC3F4, từ đó xây dựng được bộ số liệu đánh giá khả năng kháng bạc lá/đạo ôn của các dòng mang candidate gen đích.

Kết quả nghiên cứu đã chọn lọc và xác định được 5 dòng lúa triển vọng có năng suất, chất lượng và kháng bạc lá/đạo ôn. Năng suất trung bình ở vụ Xuân 2017 đạt 63,18 -71,93 tạ/ha , cao hơn giống Bắc thơm 7 từ 10,8 -26,1 % (mặc dù do khí hậu không thuận lợi, bệnh dịch hại và lùn sọc đen phát triển mạnh) năng suất trung bình tại 2 điểm khảo nghiệm dao động từ 47,47 - 51,21 tạ/ha, vẫn trội hơn so với Bắc Thơm 7 từ 8,38 - 19,49 %, đặc biệt ở Thanh Hóa năng suất vượt đối chứng từ 14,79-26,67%.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- (20-12-024))