Nghiên cứu các biện pháp phòng chống sâu róm hại Thông nhựa và Thông mã vĩ cho miền Bắc và Bắc Trung Bộ
27/05/21 09:50AM
Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu các biện pháp phòng chống sâu róm hại Thông nhựa và Thông mã vĩ cho miền Bắc và Bắc Trung Bộ

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đào Ngọc Quang

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Lê Văn Bình, TS. Vũ Văn Định, TS. Nguyễn Minh Chí, ThS. Nguyễn Hoài Thu, ThS. Bùi Quang Tiếp, ThS. Nguyễn Quốc Thống.

Thời gian thực hiện: 2016-2019

Kinh phí thực hiện: 3.300 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2681/QĐ-BNN-TCLN ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày nghiệm thu: ngày 11 tháng 9 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã xác định được đặc điểm sinh học của loài SR4TL và SRT gây hại Thông mã vĩ và Thông nhựa. Nghiên cứu chỉ ra vòng đời phát triển, điều kiện môi trường tác động lên vòng đời và thời điểm phát dục của SR4TL và SRT tại 4 địa điểm nghiên cứu là Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An. Từ đó xây dựng 04 quy trình điều tra, dự tính, dự báo dịch loài SR4TL và SRT hại Thông mã vĩ và Thông nhựa tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An.

Kết quả nghiên cứu cũng xác định biện pháp phòng chống hiệu quả loài SR4TL và SRT. Cụ thể là thiết kế tạo mới và sản xuất được 02 loại bẫy đèn cải tiến bẫy trưởng thành phù hợp với điều kiện trong sản xuất lâm nghiệp; 02 loại chế phẩm sinh học gồm chế phẩm Delfin 32WG (32BUI/KG) (Bacillus thuringiensis var. kurstaki) và chế phẩm Bitadin WP (Bacillus thuringiensis. var. kurstaki 16.000IU+Granulosis virus 108PIB); và 03 loại thuốc trừ sâu hóa học trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (hoạt chất Deltamethrin 25g/l (Decis repel 2,5SC), Cypermethrin 250g/l (Sherpa 25EC), Etofenprox 10% (Trebon 10EC) với nồng độ 0,3%, liều lượng 500-600 lít/ha).

Đề tài đã xây dựng 04 mô hình quản lý tổng hợp loài SR4TL và SRT (01 mô hình/loài sâu/vùng) với quy mô 02 ha/mô hình tại địa điểm thường xuyên xuất hiện SR4TL và SRT hại tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An (giảm mức độ thiệt hại 77,79-85,87%; hiệu quả kinh tế tăng 20,86-22,66% so với đối chứng). “Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu róm hại Thông mã vĩ và Thông nhựa” được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205984-85)