Sự lưu hành của vi rút dịch tả lợn châu Phi trên môi trường và trên đàn lợn ở Việt Nam
24/06/21 08:10AM
Chủ đề: Thú y

Tên dự án: Sự lưu hành của vi rút dịch tả lợn châu Phi trên môi trường và trên đàn lợn ở Việt Nam

Tổ chức chủ trì: Cục Thú y

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Đăng Thọ

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Ngô Tiến Dũng; TS. Võ Văn Sự; TS. Nguyễn Ngọc Hùng; ThS. Hoàng Xuân Nghinh; KS. Hà Đình Hiệu; KS. Phạm Tuấn Hiệp; ThS. Trần Thị Loan; TS. Nguyễn Hữu Đức; KS. Lê Văn Thiện

Thời gian thực hiện: 1/2020-12/2020

Kinh phí thực hiện: 1.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 593/QĐ-TY-KH ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Cục Thú y

Ngày nghiệm thu: ngày 09 tháng 12 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu cho thấy số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ dưới 50 con vẫn chiếm tỷ lệ 63% (có 15% cơ sở có quy mô từ 51-100 con). Các cơ sở  chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu điều kiện cơ sở vật chất để áp dụng an toàn sinh học, sự am hiểu của chủ hộ về phòng chống dịch còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đối với kế hoạch chung của các tỉnh và quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Nguồn cung cấp lợn giống cho các cơ sở quy mô nhỏ phần lớn mua từ trang trại, hộ chăn nuôi lợn giống và nơi khác. Mặt khác, các cơ sở hầu hết không có khu cách ly cho đàn lợn mới mua về nhập đàn, việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi còn ở mức độ thấp.

Trong số 6 tỉnh giám sát điều tra, chỉ có 2 tỉnh Bắc Ninh và Nam Định phát hiện có sự lưu hành vi rút DTLCP trên đàn lợn với tỷ lệ lưu hành lần lượt là 6,8% và 8,7%. Tỷ lệ lợn có kháng thể DTLCP là 1,27%, tập trung chủ yếu ở một số ít hộ chăn nuôi nhỏ (dưới 50 con).

Thực hiện giám sát ở 6 tỉnh, chỉ phát hiện được 2 tỉnh Bắc Ninh và Nam Định có sự lưu hành vi rút DTLCP trong môi trường và thức ăn tại các cơ sở chăn nuôi là 1,1% và 0,6%; tại các địa phương trên cũng đang xảy ra rải rác các ổ dịch DTLCP trên đàn lợn, việc phát hiện vi rút trên môi trường là do công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý ổ dịch còn hạn chế. Tỷ lệ dương tính trung bình với DNA vi rút DTLCP của mẫu phủ tạng và sản phẩm chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích) có nguồn gốc từ lợn tại chợ được giám sát ở 6 tỉnh là 11,8%.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT/ DT20216004-05/GGN21-01-003)