Hoạt hóa hệ thống miễn dịch của tôm sú bằng protein sốc nhiệt
28/11/19 09:54AM
Thuỷ Sản

Tên dự án: Hoạt hóa hệ thống miễn dịch của tôm sú (Penaeus monodon) bằng protein sốc nhiệt

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thuỷ Sản II

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Lê Hồng Phước

Các cá nhân tham gia dự án: TS. Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh, TS. Nguyễn Văn Hảo, ThS. Nguyễn Thị Hiền, ThS. Vũ Thành

Thời gian thực hiện: 5/2012-5/2014

Kinh phí thực hiện: 1.280 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Mục tiêu của dự án là khảo sát ảnh hưởng của protein sốc nhiệt (heat shock protein) Hsp70 (DnaK) đến quá trình hoạt hóa hệ thống miễn dịch của tôm sú (Penaeus monodon). Nếu thành công, quy trình sử dụng Hsp70 sẽ được phát triển và tối ưu hóa, sau đó có thể dùng để sàng lọc các gia đình tôm sú về khả năng đáp ứng miễn dịch, và có thể được ứng dụng trong chương trình chọn giống dựa trên khả năng kháng bệnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tiêm tôm với 8, 10 μg DnaK làm tăng biểu hiện của proPO tại thời điểm 2 và 4 giờ sau khi tiêm, điều này được xác định bằng phản ứng định lượng RT-PCR.

Kết quả kiểm tra hoạt tính của phenoloxidase bằng phản ứng Phenoloxidase được thực hiện trên cuvet chưa thấy sự khác biệt lớn về hoạt tính phenoloxidase khi tiêm tôm với DnaK và vi khuẩn ở các thí nghiệm. Tuy nhiên với kết quả định lượng cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở một số thời điểm thu mẫu.

Ở tôm sú ghi nhận hiện tượng tăng đáng kể phenoloxidase ở nghiệm thức tiêm kết hợp DnaK và virus gây bệnh đốm trắng WSSV tại thời điểm 9-10 giờ sau khi tiêm DnaK. Đối với tôm thẻ chân trắng ghi nhận hiện tượng tương tự khi tiêm tôm với DnaK và vi khuẩn có độc lực cao Vibrio campbellii. Điều này cho thấy rõ tác dụng của DnaK trong hoạt hóa hệ thống miễn dịch của tôm sú.

Đối với tôm sú, tiêm đơn DnaK cho phenoloxidase cao hơn so với nghiệm thức tiêm kết hợp DnaK và vi khuẩn (Vibrio harveyi BB120 hay Vibrio campbellii) ở thời điểm 2 giờ sau khi tiêm DnaK. Điều này cũng cho thấy được hiệu quả của DnaK trong kích thích hệ miễn dịch của tôm sú.

Cũng như các thí nghiệm khác, kết quả kiểm tra hoạt tính phenoloxidase trên các quần đàn tôm bằng phản ứng được thực hiện trên cuvet chưa thấy sự khác biệt lớn về giá trị trung bình ở 4 đàn tôm thí nghiệm. Giữa các cá thể trong cùng quần đàn và khác quần đàn có sự khác biệt lớn về đáp ứng miễn dịch biểu hiện qua phenoloxidase. Tuy nhiên, bằng phản ứng định lượng RT-PCR cho thấy ở quần đàn thứ 2, nghiệm thức tiêm DnaK có biểu hiện phenoloxidase cao hơn so với các đàn tôm khác.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- 2018-82.pdf)