Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và quản lý phòng trị hiệu quả bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng
01/07/19 04:26PM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và quản lý phòng trị hiệu quả bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Võ Văn Nha

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Trần Thị Hương, ThS.Võ Thị Ngọc Trâm, ThS. Nguyễn Ngọc Anh, ThS. Nguyễn Thị Chi, ThS. Đào Thị Thanh Thủy, ThS. Võ Hoàng Ánh, KS. Võ Văn Tân, ThS. Nguyễn Thị Tú Anh, KS. Nguyễn Thái Hải Anh

Thời gian thực hiện: 1/2015-10/2017

Kinh phí thực hiện: 4.400 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 266/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 07 tháng 02 năm 2018 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã chỉ ra các chủng vi sinh vật có trong máu tôm hùm bị bệnh sữa thu tại vùng nuôi tôm hùm lồng của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có thành phần loài vi khuẩn nuôi cấy được rất phong phú và không có sự khác biệt ở cả 3 vùng nuôi. Kết quả đã xác định được 6 loài thuộc nhóm Vibrio, 4 loài thuộc nhóm Aerononas và 4 loài nhóm Pseudomonas. Ngoài ra còn bắt gặp một số vi khuẩn khác, tuy nhiên tần suất xuất hiện thấp (2,0-6,0%).

            Đề tài đã chứng minh tác nhân chính gây nên bệnh sữa tôm hùm nuôi lồng là Rickettsia like bacteria (RLB). Đồng thời xác định được kháng sinh có khả năng trị hiệu quả bệnh sữa trên tôm hùm là Tetracycline được trộn vào thức ăn tươi với liều 5 g/1 kg thức ăn điều kiện thí nghiệm cho tỷ lệ sống của tôm đạt 86,7% sau 30 ngày thí nghiệm.

            Đề tài xác định được một số giải pháp kỹ thuật có khả năng hạn chế mầm bệnh RLB nhiễm vào tôm hùm nuôi lồng, gồm: cho tôm hùm ăn thức ăn có nguồn gốc nước ngọt, rửa thức ăn tươi bằng KMnO4, cho ăn thức ăn tươi xen kẽ thức ăn công nghiệp (thức ăn viên), đồng thời đề xuất quy trình kỹ thuật phòng và quản lý bệnh sữa hiệu quả trên tôm hùm nuôi lồng. Qua đó, triển khai 02 mô hình (01 ở Phú Yên và 01 ở Khánh Hòa) nuôi tôm hùm áp dụng tổng hợp các giải pháp nhằm phòng trị hiệu quả bệnh sữa.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20185476-77)