Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng mắm biển, dâng, đưng và bần trắng trên các dạng lập địa chính tại vùng ven biển miền Trung, các đảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ
04/09/20 02:03PM
Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng mắm biển (Avicennia marina), dâng (Rhizophora stylosa), đưng (Rhizophora mucronata) và bần trắng (Sonneratia alba) trên các dạng lập địa chính tại vùng ven biển miền Trung, các đảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Hoàng Văn Thơi

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Lê Thanh Quang, ThS. Nguyễn Khắc Điệu, KS. Bùi Minh Tỵ, TS. Vường Đình Tuấn, KS. Võ Hoàng Anh Tuấn, ThS. Trần Xuân Huệ, KS. Trần Thị Vy, ThS. Nguyễn Trọng Dũng, PGS.TS. Đặng Thái Dương

Thời gian thực hiện: 01/2015-12/2019

Kinh phí thực hiện: 5.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 779/QĐ-BNN-KHCN ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 08 tháng 5 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

            Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng vùng ven biển miền Trung (VBMT) có chế độ triều thay đổi theo từng tiểu vùng (nhật triều, bán nhật triều, nhật triều không đều) với biên độ triều thấp nhất vùng ven biển Việt Nam, biến động 1,1-2,7 m; độ mặn thay đổi rất lớn theo vùng và theo mùa, biến động từ 0-55‰; thể nền thường gặp là cát, cát pha và bùn cát; cây ngập mặn thực thụ (true mangrove) phân bố tại vùng nghiên cứu biến động từ 12 đến 17 loài. Vùng VBMT được phân chia ra 27 dạng lập địa với 8 dạng nhóm lập địa chính; nhóm A, B, C cho vùng vũng vịnh, nhóm D, E, F cho vùng ven sông.

Đề tài đã chọn được 20 xuất xứ, gồm Mắm biển 5 xuất xứ, Đâng 5 xuất xứ, Đưng 5 xuất xứ và Bần trắng 5 xuất xứ, để thu hái hạt/trụ mầm, phục vụ gieo ươm và trồng rừng thí nghiệm. Các xuất xứ có tỷ lệ sống và sinh trưởng chiều cao vượt trên 15% so với các giống đại trà sau 3 năm khảo nghiệm nghiên cứu đã bổ sung được các kỹ thuật trồng rừng cho vùng nghiên cứu. Mật độ trồng Bần trắng thích hợp là 4.800 cây/ha và 3.200 cây/ha; tuổi cây con cho tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt nhất đối với Bần trắng là cây con 18 tháng tuổi; biện pháp bảo vệ cây trồng cho tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt nhất là tạo hàng rào 2 lớp và hàng rào chữ T; tỷ lệ sống và sinh trưởng tốt nhờ hàng rào cản rác bằng trụ gỗ kết hợp lưới ni long; mô hình trồng rừng thí nghiệm giai đoạn 1 tại Côn Đảo được chăm sóc, bảo vệ tốt, cây sinh trưởng chiều cao và đường kính khá, tỷ lệ sống ổn định

Mô hình trồng rừng theo đám cho tỷ lệ sống và sinh trưởng chiều cao tốt hơn mô hình theo cụm và cao hơn các thí nghiệm trong giai đoạn 1. Xây dựng và hoàn thiện 4 hướng dẫn kỹ thuật gây trồng cho 4 loài cây, gồm: Mắm biển, Đưng, Đâng và Bần trắng cho vùng ven biển miền Trung, các đảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205886)