Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn
29/07/20 10:36AM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Mai Duy Minh

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Lê Anh Tuấn, TS. Nguyễn Đức Cự, ThS. Trần Thị Bích Thủy, ThS. Nguyễn Minh Hường, KS. Tô Đông Tịnh, TS. Nguyễn Hoàng Uyên, Nguyễn Thị Thúy Thủy, KS. Vũ Thị Bích Duyên, KTV. Mai Duy Hảo.

Thời gian thực hiện: 1/2016-12/2018

Kinh phí thực hiện: 5.800 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 968/QĐ-BNN-KHCN ngày 25 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 23 tháng 5 năm 2019 tại thành phố Nha Trang.

 

Kết quả nghiên cứu:

            Nghiên cứu cho thấy khi được bổ sung vào thức ăn công nghiệp dạng viên khô, Mannan oligosaccharide (Biomos®) ở mức 0,4% (4 g/kg thức ăn) giúp cải thiện tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm hùm bông trong khi đó bổ sung taurine ở mức 4 g/kg thức ăn chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Đề tài đã thiết kế được bể lọc sinh học vật liệu xi măng gồm có 3 ngăn dùng các hạt lọc là hạt san hô cành và viên đá cuội. Bể lọc sinh học hoạt động khá hiệu quả, tỉ lệ thay nước không quá 50% trong tháng, đã duy trì các yếu tố môi trường như sau: TAN < 0,8 mg/l; NO2-N < 0,08 mg/l; pH=7,5-8,0. Các yếu tố khác có thể kiểm soát như nhiệt độ 26-30 độ C; độ mặn 30-37%o; DO > 4,6 mg/l; NO3<50 mg/l; tổng ni tơ hữu cơ < 8 mg/l; canxi = 320-360 mg/l.

            Nuôi tôm hùm bông thương phẩm trong hệ thống bể trên bờ tái sử dụng nước (RAS) ở mật độ 8-10 con/m2 bằng thức ăn công nghiệp dạng viên đạt năng suất 5,45-6,73 kg tôm/m2; tăng trưởng và tỉ lệ sống không sai khác với tôm nuôi ở mật độ 6 con/m2. Có thể dùng kỹ thuật PCR phát hiện được vi khuẩn vibrio alginolitycus gây đỏ thân và nấm Fusarium solani gây đen mang nhưng không phát hiện được RLB gây bệnh sữa trong mẫu chứa phân tôm hùm và nước thu từ bể nuôi tôm hùm. Sản phẩm được chiết từ củ tỏi (Allium sativum, L) và hạt cau (Areca catechu) có tiềm năng ngăn ngừa tác nhân RLB gây bệnh sữa ở tôm hùm khi tắm ở liều lượng 50 ppm trong thời gian 60 phút/lần/ngày x 2 ngày.

            Nuôi tôm hùm bông cỡ 15,5 g/con ở mật độ 8 con/m2 trong hệ thống RAS dùng 100% thức ăn công nghiệp sau 18 tháng nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 0,68 kg/con; tỉ lệ sống 71,76%; năng suất 3,91 kg/m2; hệ số thức ăn FCR=3,22. Tăng trưởng của tôm chậm hơn, tỉ lệ sống thấp hơn so với nuôi tôm trong lồng biển bằng thức ăn tươi. Nguyên nhân do chất lượng viên thức ăn công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của tôm hùm bông và chưa kiểm soát hiệu quả bệnh sữa, bạc vỏ, đen mang trong các tháng đầu nuôi thử nghiệm. Tắm tôm bằng hợp chất kháng khuẩn và nước ôxy già đã khắc phục được dịch bệnh này.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205856-58)