Nghiên cứu thức ăn nuôi cua lột năng suất cao trong hệ thống tuần hoàn
20/08/20 01:50PM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu thức ăn nuôi cua lột (Scylla sp.) năng suất cao trong hệ thống tuần hoàn

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Phạm Thị Kim Quyên, ThS. Lê Thị Nhàn, ThS. Nguyễn Cơ Thạch, CN. Nguyễn Đình Huy, TS. Nguyễn Chí Thuận, ThS. Nguyễn Huyền Trang, ThS. Nguyễn Hoàng Uyên

Thời gian thực hiện: 1/2016-12/2018

Kinh phí thực hiện:  3.850 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 968/QĐ-BNN-KHCN ngày 25 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 23 tháng 5 năm 2019 tại thành phố Nha Trang

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả khảo sát, lựa chọn nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam đã thiết lập được công thức thức ăn nền (CNT) có hàm lượng dinh dưỡng protein, lipid, khoáng, năng lượng tương ứng là 45,2%, 7,7%, 22,2% và 16,4 Mj/kg thức ăn; đáp ứng được yêu cầu tăng trọng và lột vỏ của cua. Cua sử dụng thức ăn nền đạt tỷ lệ sống tương đương với sử dụng thức ăn tươi nhưng tỷ lệ lột vỏ 31,3% và tỷ lệ tăng về khối lượng sau lột vỏ (45,8%) thấp hơn so với cua sử dụng thức ăn tươi với giá trị tương ứng là 35,1% và 54,3%.

Công thức thức ăn nền (CTN) được bổ sung: 2% dịch cá thủy phân, 0,2% chitosan phân tử lượng 50 kdal; 1,5 U phức hợp enzyme protease và amylase/ 100 mg thức ăn; 0,1% cholesterol là công thức (CTN.D.C.E.Ch) sử dụng để sản xuất thức ăn nuôi cua lột trong hệ thống bể tuần hoàn có ứng dụng lọc sinh học. Thức ăn được sản xuất theo công thức CTN.D.C.E.Ch có thành phần dinh dưỡng cơ bản protein, lipid, khoáng tổng số và năng lượng tương ứng đạt 49%; 11,8%, 22,1% và 19,2 MJ/kg; độ bền từ 2,5-3h. Kết quả nuôi cua lột bằng loại thức ăn do đề tài sản xuất đạt tỷ lệ sống 85-82%, tỷ lệ cua lột vỏ đồng loạt 86% đến 90%, tỷ lệ cua lột vỏ đồng loạt 86% đến 90%, tỷ lệ tăng khối lượng sau khi lột vỏ đạt 57,2%-61,3%, FCR từ 0,67 đến 0,7%.

So sánh thức ăn tuyền thống (cá tạp) để nuôi cua lột, cua sử dụng thức ăn viên do đề tài sản xuất theo công thức CTN.D.C.E.Ch cho tỷ lệ cua lột vỏ đồng loạt cao vượt trội thức ăn tươi, gấp 2,8 lần, và tương đương về tỷ lệ sống cũng như tỷ lệ tăng trọng sau khi lột vỏ so với trọng lượng cua ban đầu.

Hệ thống tuần hoàn có ứng dụng lọc sinh học đảm bảo chất lượng nước tốt, ổn định các yếu tố pH (7,6-7,7); DO (6-6,8); hàm lượng NH3/NH4- và NO2- trong nước sau khi lọc đạt tương ứng là 0,004-0,008 mg/l và 0,012-0,014 mg/l. Chất lượng nước trong hệ thống lọc sinh học tuần hoàn đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng nước để nuôi cua lột.

Xây dựng quy trình công nghệ nuôi cua lột trong hệ thống có ứng dụng lọc sinh học tuần hoàn và áp dụng chạy thử nghiệm ở quy mô 100 m2; các chỉ tiêu kỹ thuật quy trình đạt được với giá trị trung bình là: Tỷ lệ sống 85 ± 3%; tỷ lệ cua lột vỏ đồng loạt 87,7 ± 2,08%; tỷ lệ cua tăng trọng sau lột 60 ± 3%, năng suất đạt 1,65 ± 0,17 kg/m2 bể nuôi (3,3 kg cua lột/m2 nền), kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205871-73)