Khai thác và phát triển nguồn gen lan kiếm
28/11/19 10:10AM
Trồng trọt

Tên dự án: Khai thác và phát triển nguồn gen lan kiếm (Cymbidium sinense) 

Thuộc chương trình: Quỹ gen cấp nhà nước

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Rau quả

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: PGS. TS. Đặng Văn Đông

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Chu Thị Ngọc Mỹ, TS. Đinh Thị Dinh, ThS. Đặng Tiến Dũng, ThS. Đặng Văn Lãm, ThS. Nguyễn Văn Tiến, ThS. Nguyễn Thị Duyên, ThS. Nguyễn Thị Oanh, Trần Văn Tòng, Phạm Thị Hồng Hạnh

Thời gian thực hiện: 01/2013– 12/2016

Kinh phí thực hiện: 2.900 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu đã điều tra, thu thập 5 mẫu giống lan kiếm (Cymbidium sinnense) là Trần Mộng, Hoàng Vũ, Thanh Ngọc, Mặc Biên và Hoàng Điểm với 80-90 chậu/mẫu giống. Tổng số lượng thu thập được là 430 chậu. Đánh giá đặc điểm di truyền, nông sinh học của nguồn vật liệu thu thập.

Nghiên cứu đã đưa 5 mẫu giống lan kiếm (15 mẫu/giống) vào phục tráng và nhân nhanh 2.850 cây mẫu giống lan kiếm (Cym. sinense) đầu dòng. Xây dựng vườn giống gốc với tổng diện tích 600 m2 với 2.400 cây đầu dòng tại 3 địa phương là Hà Nội, Quảng Ninh và Sơn La. Sau 3 năm theo dõi, đánh giá thấy cây lan kiếm (Cym. sinense) đầu dòng gồm Trần Mộng, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Mặc Biên và Hoàng Điểm đều sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Đã xây dựng 01 bộ quy trình nhân giống cho lan kiếm bằng phương pháp tách nhánh, bằng nuôi cấy in vitro và bằng gieo hạt trong ống nghiệm. Các quy trình đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu và ban hành cấp cơ sở.

Đã xây dựng 01 quy trình trồng, chăm sóc và điều khiển nở hoa cho mẫu giống lan kiếm (Cymbidium sinense). Quy trình đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu và ban hành cấp cơ sở.

Dự án đã xây dựng mô hình sản xuất thương mại cho lan kiếm với diện tích 1.200 m2 (tương đương với 5.500 chậu) ở các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La. Các mẫu giống lan kiếm được trồng theo quy trình kĩ thuật của Viện nghiên cứu Rau quả sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng hoa cao và tương đối ổn định giữa các giống ở tất cả các điểm trồng. Ngoài ra, cây lan kiếm ra hoa vào dịp Tết Nguyên Đán nên hiệu quả đồng vốn từ sản xuất lan kiếm cao hơn nhiều so với lan kiếm được trồng theo kinh nghiệm của người dân.

Nghiên cứu đã xây dựng và công bố 01 tiêu chuẩn cây giống cho lan kiếm (Cymbidium sinense) và 01 tiêu chuẩn cây lan kiếm thương phẩm, 01 bộ dữ liệu về chỉ dẫn địa lý cho lan kiếm.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- 2018-97.pdf)