Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh Sa mộc (Cunninghamia lanceolata Lamb. Hook) cho năng suất cao nhằm cung cấp gỗ lớn ở vùng núi phía Bắc (Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ)
08/02/22 09:00AM
Chủ đề: Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh Sa mộc (Cunninghamia lanceolata Lamb. Hook) cho năng suất cao nhằm cung cấp gỗ lớn ở vùng núi phía Bắc (Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ)

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đặng Văn Thuyết

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Nguyễn Toàn Thắng; PGS.TS. Trần Văn Con; TS. Trần Lâm Đồng; TS. Đặng Thịnh Triều; ThS. Lê Thị Hạnh; ThS. Trần Anh Hải; ThS. Dương Quang Trung; ThS. Vũ Tiến Lâm; ThS. Lý Thị Thanh Huyền; KS. Lê Ngọc Hà; ThS. Đinh Hải Đăng; KS. Diệp Xuân Tuấn; KS. Đào Trung Đức; ThS. Trần Quang Trung; KS. Bạc Cầm Thiểu

Thời gian thực hiện: 2016-2020

Kinh phí thực hiện: 5.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1137/QĐ-BNN-TCLN ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 19 tháng 4 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã chọn được 100 cây trội Sa mộc ở 8 tỉnh vùng núi phía Bắc có độ vượt D1,3 đạt 29,0 đến 91,5%, vượt trội Hvn đạt 10,4 đến 50,2%. Đồng thời xác định thời vụ thích hợp để nhân giống Sa mộc bằng phương pháp giâm hom là vụ Đông và Xuân. Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng hom đầu chồi và hom sát hom đầu chồi của chồi gốc hoặc hom đầu cành bánh tẻ trên thân cây để nhân giống Sa mộc bằng phương pháp giâm hom là phù hợp. Thực hiện xử lý hom bằng chất điều hòa sinh trưởng NAA dạng bột với tỷ lệ so với chất độn là 1,5% hoặc IBA dạng bột với tỷ lệ so với chất độn là 1,5% cho tỷ lệ hom ra rễ đạt hơn 90%, chỉ số rễ đạt 15-18.

Nghiên cứu đã chọn được 5 xuất xứ có độ vượt trội so với rừng trồng trong sản xuất ở Quảng Ninh về Do từ 28,6 đến 38,1%, về Hvn từ 13,3 đến 26,7% và 17 gia đình có độ vượt so với rừng trồng trong sản xuất ở Quảng Ninh về Do từ 42,8 đến 153,1%, về Hvn từ 19,6 đến 106,7% ở vùng Đông Bắc Bộ. Trong đó, 3 xuất xứ có độ vượt trội so với rừng trồng trong sản xuất ở Quảng Ninh về Do từ 28,0 đến 63,8%, về Hvn từ 19,0 đến 62,3% và 12 gia đình có độ vượt so với rừng trồng trong sản xuất ở Quảng Ninh về Do từ 32,5 đến 158,7%, về Hvn từ 15,0 đến 126,7% ở vùng Tây Bắc Bộ.

Xây dựng bảng phân chia lập địa trồng rừng thâm canh Sa mộc cho năng suất cao cung cấp gỗ lớn ở vùng núi phía Bắc. Xác định các công thức thí nghiệm tốt cho rừng thí nghiệm trồng mới tại vùng Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ ở tuổi 3 về thí nghiệm tuổi cây con đem trồng là 15-18 tháng tuổi; kích thước hố trồng 60cm x 60cm x 60cm; bón lót ½ và bón thúc ½ lượng phân (110g uê + 350g supe lân + 50 ga ka li) cho mỗi gốc; mật độ trồng 3300 cây/ha; tỉa cành ở năm thứ hai và ba tất cả các cành từ gốc lên 30% chiều cao cây; mật độ để lại nuôi dưỡng đối với rừng Sa mộc 6-7 tuổi và 11 tuổi ở vùng Đông Bắc Bộ và vùng Tây Bắc Bộ là 1600 cây/ha và bón cho mỗi gốc cây với lượng (55g urê + 700g supe lân + 50g ka li) hoặc (110g urê + 350g supe lân + 50g ka li).

Hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Sa mộc bằng phương pháp giâm hom, trồng rừng và chuyển hoá rừng trồng Sa mộc cung cấp gỗ lớn ở vùng núi phía Bắc và được Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 26/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 26/01/2021 Công nhận tiến bộ kỹ thuật “Kỹ thuật nhân giống Sa mộc bằng phương pháp giâm hom” và Quyết định số 27/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 26/01/2021 Công nhận tiến bộ kỹ thuật “Kỹ thuật chuyển hoá rừng trồng Sa mộc cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn”.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216099-6100/GGN 21-06-037)