Nghiên cứu chọn tạo giống dâu và giống tằm cho vụ hè thu đạt năng suất cao tại các tỉnh phía Bắc
17/02/22 10:32AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống dâu và giống tằm cho vụ hè thu đạt năng suất cao tại các tỉnh phía Bắc

Tổ chức chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Min, TS. Lê Quang Tú

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Lê Hồng Vân; ThS. Tống Thị Sen; ThS. Phạm Tuấn Nho; TS. Nguyễn Thị Thu; ThS. Nguyễn Thúy Hạnh; ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly; ThS. Nguyễn Thị Lương; ThS. Lê Thị Xuân

Thời gian thực hiện: 2016-2020

Kinh phí thực hiện: 3.900 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1390/QĐ-BNN-KHCN ngày 02 tháng 04 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 15 tháng 04 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Từ 16 giống dâu làm vật liệu khởi đầu qua đánh giá đã lựa chọn được 12 giống làm nguyên liệu lai tạo. Kết quả lai hữu tính đã tạo ra được 13 tổ hợp dâu lai, trong đó có 6 tổ hợp lai TH3, TH4, TH6, TH10, TH12 và TH13 có nhiều ưu điểm nổi bật. Kết quả khảo nghiệm  cơ bản và khảo nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình cho thấy giống dâu lai GQ20 (Q1xTL) sau khi cắt cành 3 lần/năm có nhiều ưu điểm hơn so với giống dâu đối chứng VH15. Đây cũng là giống dâu thích hợp cho phương pháp thu hoạch dâu bằng cắt cành kết hợp với thu hoạch bằng hái lá ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, đồng thời được Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép công bố lưu hành.

 Đề tài đã xây dựng quy trình trồng dâu giống mới. Vụ Xuân trồng dâu bằng phương pháp gieo thẳng vào đầu vụ; Vụ Hè trồng dâu bằng phương pháp gieo qua bầu vào đầu Hè; Vụ Thu có thể trồng dâu bằng cả 2 phương pháp: Trồng dâu qua bầu hoặc qua vườn ươm. Trồng dâu ở mật độ 60.000 cây/ha và thu hoạch theo phương pháp cắt cành 3 lần kết hợp với hái lá 2 lần/năm cho năng suất cao, giảm chi phí lao động trong khâu thu hoạch lá, mang hiệu quả kinh tế cho người nuôi tằm. Bón phân với tỷ lệ 450N:225 P2O5: 225K2O5 (978 kg ure, 1406,25 kg supe lân, 375 kg kaliclorua) cho năng suất lá dâu trên 100m2 đạt cao nhất đạt 468,99 kg/100m2/năm, và đảm bảo năng suất kén, khối lượng vỏ kén và tỷ lệ vỏ kén cao nhất.

Nghiên cứu đã sử dụng giống tằm đa hệ nhập nội Jn lai với giống tằm đa hệ trong nước HLS, RVHT, VDK và ĐSK tạo ra các tổ hợp lai. Khảo nghiệm sản xuất 2 giống tằm VNT2, VNT3 cho kết quả năng suất kén đạt 12,67-13,12 kg/vòng trứng, tăng 8,65-11,86%. Xây dựng mô hình và quy trình nuôi tằm giống mới VNT2, năng suất kén bình quân đạt 12,75 kg kén/vòng trứng, cao hơn đối chứng 11,16%. Hiệu quả kinh tế đạt 216.750.000 đồng/ha/năm, tăng so với giống đang nuôi đại trà trong sản xuất là 11,2%. Nhân giống VNT2 dễ thực hiện, hệ số nhân giống đạt 10,68 vòng trứng/kg kén cao hơn đối chứng 13,65%. Giá thành sản xuất 1 vòng trứng thấp 37.910 đồng, tiết kiệm chi phí sản xuất được 11,11%.

 

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216109-10/GGN 21-07-043)