Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú (Penaeus monodon) bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh
11/02/22 05:20PM
Chủ đề: Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú (Penaeus monodon) bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh

Thuộc chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ

Tổ chức chủ trì: Đại học Trà Vinh

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Huỳnh Kim Hường

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Phan Thị Thanh Trúc, KS. Đỗ Văn Trường, KS. Mai Văn Hoàng, ThS. Diệp Thành Toàn, ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhi, ThS. Phạm Văn Đầy, ThS. Lai Phước Sơn, ThS. Hồ Khánh Nam, GS.TS. Trần Công Bình, PGS.TS. Châu Tài Tảo

Thời gian thực hiện: 2017-2020

Kinh phí thực hiện: 39.588 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 749/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 09 tháng 03 năm 2021 tại Tp. Hồ Chí Minh

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã nghiên cứu thiết kế hệ thống an toàn sinh học dùng để nuôi tôm sú bố mẹ. Hoàn thiện quy trình nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh trong điều kiện nhân tạo với 2 giai đoạn. Đối với giai đoạn nuôi 100 tôm bố mẹ, sau 13 tháng nuôi trong điều kiện an toàn sinh học đã tạo ra được 116 con tôm bố mẹ sạch bệnh, tôm cái có khối lượng trung bình 172±3,40 g/con và tôm đực có khối lượng trung bình là 101,56±9,03 g/con. Đối với giai đoạn 2 nuôi 300 tôm bố mẹ, sau 11 tháng nuôi trong điều kiện an toàn sinh học đã tạo ra được 390 con tôm bố mẹ sạch bệnh, tôm cái có khối lượng trung bình 145,72±11,48 g/con và tôm đực có khối lượng trung bình là 101,56±7,36 g/con. Việc nuôi tôm sú bố mẹ trong điều kiện  nhân tạo đảm bảo an toàn sinh học mang lại nhiều hiệu quả tích cức: vừa tuyển chọn tôm bố mẹ có tốc độ lớn nhanh, vừa sạch bệnh.

Đánh giá chất lượng tôm bố mẹ gia hóa và ấu trùng được sản xuất từ tôm bố mẹ gia hóa qua các giai đoạn cho thấy: Giai đoạn 1 sức sinh sản của tôm dao động từ 365.360±82.82 -542.946±98.649; tỉ lệ nở của trứng dao động từ 79,83±6,92-89,22±4,05 % và số ấu trùng/tôm mẹ/lần đẻ dao động từ 246.111±48.503 - 343.333±52.841; tôm bố mẹ và tôm post sạch 6 bệnh: IHNNV, WSSV, MBV, TSV, YHV và HPV( test tại Chi cục thú y Vùng 6); khối lượng và chiều dài tôm và năng suất tôm nuôi ở các ao sử dụng tôm giống gia hóa cao hơn khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các ao nuôi sử dụng nguồn giống không gia hóa. Ở giai đoạn 2 sức sinh sản của tôm dao động từ 4.413 - 4.545 trứng/g; tỉ lệ nở của trứng dao động từ 81,12-84,22 % và số ấu trùng/tôm mẹ/lần đẻ dao động từ 431.629-456.222 Nauplius; tôm bố mẹ và tôm post sạch 6 bệnh: IHNNV, WSSV, MBV, TSV, YHV và HPV (test tại Chi cục thú y Vùng 6); khối lượng, chiều dài tôm và sinh khối tôm nuôi sử dụng giống gia hóa cao hơn sử dụng giống không gia hóa; tôm tăng trưởng tốt và cho năng suất cao trong điều kiện ao nuôi.  Kết quả 2 giai đoạn đánh giá sinh sản của tôm bố mẹ gia hóa cho thấy hoàn toàn có khả năng thay thế tôm sú bố mẹ tự nhiên thành tôm sú bố mẹ gia hóa. Tôm giống được sản xuất từ bố mẹ gia hóa hoàn toàn thích hợp cho việc nuôi thương phẩm trong điều kiện hộ nông dân.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216101/GGN 21-06-038)