Nghiên cứu giải pháp thủy lợi (tạo nguồn nước, phân bổ nguồn nước và cấp nước) phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các nhu cầu khác vùng đất cát ven biển Trung Bộ
15/02/22 10:47AM
Chủ đề: Thủy lợi

Tên đề tài: Nghiên cứu giải pháp thủy lợi (tạo nguồn nước, phân bổ nguồn nước và cấp nước) phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các nhu cầu khác vùng đất cát ven biển Trung Bộ

Tổ chức chủ trì: Viện Quy hoạch Thủy lợi

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Lương Ngọc Chung

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn; ThS. Phạm Công Thành; ThS. Nguyễn Xuân Phùng; ThS. Đặng Thị Kim Nhung; ThS. Nguyễn Nguyên Hoàn; ThS. Phan Tuấn Phong; ThS. Trần Đình Dũng; ThS. Trương Quỳnh Chi; KS. Phan Thanh Hùng; ThS. Lê Thanh Hà; ThS. Nguyễn Thị Hương Lan; ThS. Lê Thị Mai; ThS. Nguyễn Vân Anh; ThS. Lê Thị Thúy Liễu; KS. Vũ Đức Chất; ThS. Nguyễn Huy Thông; ThS. Trần Thị Nhung; KS. Vũ Thị Mỹ Hạnh   

Thời gian thực hiện: 2018-2020

Kinh phí thực hiện: 4.200 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1529/QĐ-BNN-TCTL ngày 09 tháng 04 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 20 tháng 05 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả điều tra, nghiên cứu của đề tài cho thấy đối với vùng đất cát có 3 loại nguồn nước chính: Nguồn nước tự nhiên, nội tại các vùng cát, bao gồm các ao hồ, đầm, bàu nước tự nhiên, các ao nhân tạo, giếng khoan, giếng đào khai thác nước ngầm tầng nông, và các mô hình bể thu trữ nước mưa; Nguồn nước từ các công trình thủy lợi; Nguồn nước từ các lưu vực, công trình ở các vùng lân cận được kết nối, chuyển cho vùng cát ven biển. Về các loại hình sử dụng nước tại vùng đất cát, đề tài đã thống kê, tính toán nhu cầu nước tại 14 vùng cát ven biển tại 14 tỉnh khu vực miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, cho các đối tượng dùng nước chủ yếu là dân sinh, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch… Kết quả cân bằng nước giai đoạn hiện tại và tương lai cho thấy vùng cát ven biển Bắc Trung Bộ hiện tại nguồn nước còn thiếu 334,5 triệu m3 để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lại do nhu cầu dùng nước tăng lên dẫn đến lượng nước thiếu là 607,7 triệu m3 (tăng 273,2 triệu m3 ). Đối với vùng cát ven biển Nam Trung Bộ, lượng nước thiếu hiện tại là 480,5 triệu m3 và đến năm 2030 là 732 triệu m3 .

Để khắc phục tình trạng thiếu nước nêu trên, đề tài đã tính toán, cân đối các nguồn nước từ các công trình thủy lợi trong và ngoài từng vùng để xác định các giải pháp cần thực hiện đảm bảo nguồn nước cho nhu cầu phát triển của vùng cát ven biển. Các giải pháp chính cần thực hiện gồm:

- Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản nhỏ lẻ, các cụm dân cư, hộ gia đình phân tán trên các vùng đất cát sẽ tận dụng tối đa nguồn nước ngầm, nước mưa nội tại các vùng.

- Đối với các vùng có điều kiện thuận lợi để kết nối, kéo dài nguồn nước cấp từ các công trình thủy lợi sẽ khai thác tối đa lượng nước từ các công trình này còn dư sau khi phục vụ đúng yêu cầu thiết kế.

- Đối với yêu cầu kết nối, chuyển nước liên vùng, đề tài đã nghiên cứu đề xuất kết nối các hồ chứa lớn ở thượng nguồn có nguồn nước dồi dào với các hồ chứa nhỏ khác để chuyển nước cấp cho các hoạt động dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, thủy sản, trồng trọt ở các vùng ven biển.

Các giải pháp đề xuất đã được kiểm chứng thông qua 02 mô hình thử nghiệm gồm (1) mô hình thực tế thu trữ nước ngầm vào ao nhân tạo, kết hợp với bơm tưới phun mưa quanh gốc đã cấp đủ nước cho 8.000 m2 trồng bưởi quy mô trang trại hộ gia đình tại xã Quảng Thái, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế và (2) mô hình tính toán, đề xuất mạng lưới kết nối nguồn nước cấp cho vùng cát 40.000 ha thuộc khu tưới của trạm bơm Lê Hồng Phong, Bình Thuận.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216107-08/GGN 21-07-042)